Suiseki là gi?

đá cảnh nghệ thuật tự nhiên suiseki

Danh từ Suiseki phát âm tiếng Việt là “Sư sê ki”. Suiseki là một từ ngữ Nhật Bản với  “Sui” nghĩa là “thủy” (nước). “Seki” là “thạch” (đá), là nghệ thuật  thưởng ngoạn đá cảnh khi đá vẫn giữ được điều kiện tự nhiên của chúng. Suiseki thường được trưng bày trên đế gỗ đã chạm khắc gọi là Dai hay Daiza hoặc khi chúng được trưng bày trên khay làm bằng sứ hoặc đất nung có rải cát hay hạt mịn hoặc nước Suiban. Trải qua nhiều nước, tên của nghệ thuật này cũng có khác nhau. Tại Trung Hoa, suiseki được gọi là Gongshi (hay Qishi), đá hiếm hoặc Guaishi, đá lạ hoặc đá chế tác. Tại Triều tiên, Suiseki đuợc gọi là Suseok, là đá vĩnh cửu. Ở phương Tây gọi là đá thưởng ngoạn (viewing stone). Còn ở Việt Nam Suiseki được gọi là đá cảnh.

Nghệ thuật thưởng ngoạn đá bắt đầu từ hơn 1000 năm trước tại Trung Hoa, sau đó lan sang Triều Tiên, Nhật Bản, qua phương Tây trong vòng 100 năm trở lại đây và những nước khác trên thế giới. Ngày nay, Suiseki cũng giống như Bosai trở thành thú chơi toàn cầu. Các hiệp hội , câu lạc bộ Suiseki ngày càng xuất hiện nhiều trên toàn thế giới như tại Nhật có Nippon suiseki association, ở Châu Âu có Italian association of Suiseki lovers… các cuộc thi thường được tổ chức bởi những tổ chức uy tín này.

Suiseki được giới thiệu sang Nhật trong Triều đại Nữ Hoàng nhiếp chính Suiko khoảng 600 năm sau Công nguyên như là món quà từ Hoàng đế Trung Hoa. Tại Nhật, vì đất chật người đông, họ đã tìm cách  thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên qua cảnh vật thu nhỏ như Bonsai và Suiseki. Dân tộc này có  biệt tài là thu dụng những cái hay, cái  đẹp của nước ngoài, biến hóa thành của mình với những nét đặc trưng riêng mang nặng bản sắc văn hóa thiền định “Zen”.

Đối với phương Tây, Suiseki được coi là đá có hình ảnh trừu tượng, kỳ lạ, nhưng gây ấn tượng mạnh. Chúng có hình dáng đẹp và phá cách thường được đặt theo chiều đứng, uốn khúc, lồi lõm gây ấn tượng sâu sắc, với những lỗ thủng lớn nhỏ, khe sâu được tạo ra do sự bào mòn, phong hóa trong thiên nhiên.

Nghệ thuật chơi đá cảnh tự nhiên của người Trung Hoa trở nên phổ biến ở Nhật, nhưng rồi thời gian trôi qua, người Nhật đã thay đổi phong cách chơi khác với người Trung Hoa như đổi thế chơi đứng sang thế nằm, với hình dáng phong cảnh, đồi, cao nguyên, bình nguyên, hoặc các chủ đề khác như con người, thú vật, cây cỏ…

1

Người Nhật thường tự hào rằng sau khi thú chơi đá đến Nhật Bản nó đã có những biến đổi mới lạ với xu hướng chung là bóng tối đã đánh bại màu sắc, đặc biệt màu đen sẫm được coi là lý tưởng, ngược lại trong nền văn hóa của Trung Hoa nhiều viên đá loè loẹt thường được đánh giá cao. Cũng như thế, cách trưng bày một viên đá cảnh suiseki phải theo nghi thức, ví dụ cách trưng bày Tokonoma, là sự phát triển của người Nhật, trong khi đó ở Trung Hoa các viên đá thường được trưng bày lộn xộn với nhau.

Như vậy, Gongshi (hay Qishi) xuất phát từ Trung Hoa nhưng lại phát triển nhất ở Nhật Bản và bây giờ thì cả thế giới cùng chơi và phát triển theo những cách thức có đôi chút khác nhau nhưng tựu chung vẫn dựa trên cách phân loại truyền thống theo 4 tiêu chuẩn chính: hình dáng, xuất xứ, kiểu thức bề mặt viên đá và màu sắc. Nếu có thêm thắt cũng chỉ là phân loại theo kích thước như đá nhỏ (thấp hơn 15cm), đá tầm trung (15 đến 45cm), cao (từ 45cm trở lên), cách khác là phân loại theo sự biến cải có nghĩa là giữ viên đá nguyên bản hay chế tác, gọt giũa thêm cho đá có hình dáng đẹp hơn.

Do đâu mà người Nhật lại biến chế cách chơi đá cảnh nghệ thuật của người Trung Hoa? Chính là do bản sắc văn hóa đặt trưng của người Nhật. Văn hóa Nhật thấm nhuần tinh thần Thiền Tông trong nhiều lĩnh vực: thi ca,  hội họa, kiến trúc,  điêu khắc, sân khấu,  đình viên cho  đến  trà đạo,  hoa đạo,  võ đạo.  Không những  ảnh hưởng đến nghệ thuật, Thiền còn  đi vào đời sống thường ngày  của người dân Nhật  như trong ẩm thực, nghỉ ngơi và cả trong kinh doanh.  Đã không sai lầm khi nói rằng Thiền đã trở thành sinh mệnh và cốt tủy của nền văn hóa Nhật. Nhiều quốc gia cũng chịu ảnh hưởng Thiền Tông, nhưng không nơi nào thấm nhuần đến mức độ sâu sắc và bền vững như nền văn hóa của nước này “Đi cũng thiền, ngồi  cũng thiền”.

Hiện nay ở Nhật có ba Thiền phái sau:
Thiền Lâm Tế (Rinzai Sect)

Dòng Thiền này do công khai sáng của Thiền sư người Nhật – Vinh Tây (Eisai -1141 – 1215).

Thiền Tào Động (Soto Sect)

Thiền Tào Động được  Thiền sư Đạo Nguyên  (Dogen – 1200 –  1253) khai sáng. Đạo Nguyên vốn là đệ tử của  Ngài Vĩnh Tây, sau đó ông sang Trung Hoa du học và  trở về Nhật Bản xây dựng Thiền phái này.

Thiền Hoàng Bá (Obaku Sect)  

  • Đây là Thiền phái thứ ba của  người Nhật, có tầm ảnh hưởng ít hơn hai Thiền  phái kể trên,  do Thiền sư  người Trung Hoa  Ẩn Nguyên (Yin Yuan  1592 – 1653) khai  sáng.
  • Nhìn chung lại cả ba Thiền phái trên đã phát triển mạnh tại Nhật và có  tầm ảnh hưởng sâu  rộng trong đời sống tâm linh của người Nhật.
  • Cả ba đều có nhiều trường đại học, nhà xuất bản kinh sách riêng, cơ quan  từ thiện, xã hội… Không những  thế, Thiền đã ăn sâu vào  tiềm thức của người  Nhật: Trà đạo, nghê  thuật cắm Hoa,  nghệ thuật Suiseki, Hoa đạo, Thư pháp…   Một trong những ảnh hưởng lớn với nền văn hóa này là Thiền Tông.

* Xem thêm nhiều sản phẩm về đá cảnh Suiseki tại webssite http://www.suiseki.vn/

Tác giả: Ninh Hữu Hiệp

Đá Cảnh Nghệ Thuật