Thạch học: là môn học về đá, qua đó giúp ta biết quá trình hình thành, biết được cấu tạo và cách phân loại đá.
Đá được tạo thành từ các khoáng vật. Đá và khoáng là nguyên liệu tạo nên trái đất. Chúng ta có thể tìm thấy chúng trong môi trường sống quanh ta như muối ăn (NaCl) trong nước biển, mica (Muscovite) trong cát, hay xa hơn như ở trên núi, đồi, trong thung lũng, bờ biển… Các đá được chia thành ba nhóm tùy thuộc vào nguồn gốc và điều kiện điạ chất thành tạo chúng, bao gồm đá núi lửa (đá magma), đá trầm tích, đá biến chất. Đá magma được tạo thành trong quá trình kết tinh dung thể silicat nóng chảy rất phức tạp gọi là magma (kết tinh trong môi trường lỏng).Đá trầm tích phát sinh trong điều kiện ngoại sinh bề mặt, từ sản phẩm phá hủy của các đá thành tạo trước. Đá biến chất là sản phẩm tái kết tinh từ các đá có bất kỳ nguồn gốc nào, do nhiệt độ và áp suất tăng (tái kết tinh trong môi trường cứng) cụ thể như sau:
Đá núi lửa: (đá Magma): Có ba kiểu đá magma:
- Xâm nhập sâu được kết tinh ở độ sâu lớn.
- Xâm nhập sâu vừa hay đá nông được tạo thành ở gần bề mặt trái đất.
- Phun trào được tạo thành do phun trào magma lên trên mặt đất.
Tất cả các đá magma là những thành tạo nhiệt độ cao và được kết tinh trong điều kiện giảm nhiệt độ. Chúng có những đặc trưng sau:
- Phần lớn có cấu trúc kết tinh có thể phân biệt bằng mắt thường (với đá xâm nhập sâu) hoặc nhận biết dưới kính hiển vi (các đá xâm nhập nông hoặc phun trào).
- Do đó chúng tạo nên những thể khối phức tạp.
- Thường có tiếp xúc xuyên cắt rõ ràng với đá vây quanh của chúng, các đá gần tiếp xúc có sự biến đổi sâu sắc.
- Tuy nhiên những dấu hiệu trên của đá magma không đặc trưng cho tất cả các loại (trừ những trường hợp ngoại lệ), do đó không thể sử dụng chúng để phân loại các đá magma. Để phân loại các đá magma phải dựa vào các dấu hiệu ổn định của đá như thành phần khoáng vật và hoá học, cấu tạo, kiến trúc cũng như dạng nằm của chúng.
Với nhu cầu ứng dụng hơn là nghiên cứu nên chúng tôi giới thiệu cách phân loại nhanh dựa theo màu sắc và kiến trúc của đá:
Hiện nay, các đá được ưa chuộng chơi suiseki là basalt do vậy chúng tôi chỉ nói về chất liệu đá basalt phiên âm tiếng Việt là ba – zan.
Đá Basalt là đá núi lửa phun trào. Basalt phân bố rộng rãi trên vỏ trái đất tạo thành những lớp phủ, dòng chảy diện tích lớn. Dung nham basalt có độ linh hoạt cao thường phun theo kiểu khe nứt, ít hơn là basalt tạo thành theo kiểu phun trung tâm.
Basalt thành phần của các yếu tố kiến trúc khác nhau của vỏ trái đất và liên quan đến những kiểu hoạt động kiến tạo nhất định.
Thông số kỹ thuật:
- Cỡ hạt: rất mịn hoặc thủy tinh.
- Kiến trúc: đặc xít, không thấy khoáng vật.
- Cấu trúc: phổ biến nhất của basalt là dòng chảy, lỗ hổng, và hạnh nhân.
- Màu: đen, đen đậm khi còn mới, bị phong hóa thì chuyển đỏ hay xanh ở lớp vỏ bên ngoài.
- Thành phần: Silicate 50%; Alumina: 16%; Calcium: 13%;
- Sắt và magiê 18%.
- Khoáng vật tạo đá: Plagioclase, feldspar (labradorite), pyroxene, olivine, Magnetic.
Phân loại: theo thành phần khoáng vật và hóa học thì có 2 loại
- Basalt olivine: là loại basalt giàu ban tinh olivine và không bảo hòa silít (45% trọng lượng). Ban tinh olivine chiếm đến 40% khối lượng đá.
- Basalt tholeitic: phân biệt với basalt olivine bởi hàm lượng oxít silít tăng cao đến 50% trọng lượng. Đặc trưng của basalt tholeitic là có mạch thạch anh và feldspar kiềm trong nền cơ sở. Đồng thời basalt tholeitic chứa ít ban tinh olivine hơn basalt olivine.
Phân loại theo kiến trúc thì có 3 loại:
- Basalt kiềm, siêu kiềm.
- Basalt lỗ hổng.
- Basalt kiềm và tholeitic.
Khu vực phân bố của basalt là vành đai Thái bình dương, thường basalt đại dương kiềm hơn basalt lục địa. Basalt ở Nhật là basalt chứa anorthite. Basalt ở Việt Nam có mặt ở Điện Biên Phủ, Tây Nguyên, Phủ Quỳ, Daklak, Lâm Đồng, Plei ku.
Ngoài Basalt, nghệ thuật suiseki còn dùng đến các loại đá biến chất có những nếp gấp trên đá rõ rệt như Schist, Gneiss, Marble có thể dùng để biểu tượng các hiện tượng thiên nhiên (kiểu thức bề mặt-hình ảnh trên mặt đá) qua các kiến trúc Itokaki, Sabahana, Baika-seki.
Tác giả: Ninh Hữu Hiệp